Số 71-73 Ngô Thời Nhiệm, Phường Võ Thị Sáu Quận 3, TP.HCM
Thứ 2 đến thứ 6 : 7h00 đến 17h00 Thứ 7 : 7h00 đến 16h00

Blog

Đục thủy tinh thể

Bệnh đục thủy tinh thể là gì?

  • Đục thủy tinh thể bệnh lý là tình trạng thể thủy tinh của mắt bị mờ, giống như một tấm kính bám đầy bụi hoặc phủ sương mù. Bệnh lý đục thủy tinh thể còn được dân gian hay gọi là bệnh cườm khô, hay cườm đá.
  • Thủy tinh thể được cấu tạo chủ yếu từ nước và các protein, sắp xếp theo một trật tự đặc biệt để cho ánh sáng có thể xuyên qua và hội tụ trên võng mạc, giúp ta nhìn rõ các vật thể dù ở gần hay xa. Tuy nhiên do nhiều yếu tố tác động đã làm cho các protein này biến đổi, mất tính trong suốt, làm cản trở đường truyền của tia sáng, từ đó gây suy giảm thị lực.

Hình ảnh: mắt đục thủy tinh thể.

Triệu chứng Bệnh đục thủy tinh thể

  • Thị lực giảm: Thị lực giảm tỉ lệ thuận với mức độ đục thể thuỷ tinh. Thủy tinh thể đục càng nhiều thì thị lực càng giảm sút.

Hình ảnh : nhìn mờ như qua màn sương ở mắt đục thủy tinh thể
  • Loá mắt: Đục thể thuỷ tinh bắt đầu thường gây loá mắt với ánh sang hay ánh đèn , nhìn rõ hơn nơi râm mát, gây khó chịu cho người bệnh khi tham gia giao thông. Sự khó chịu này đặc biệt xảy ra ở hình thái đục thể thuỷ tinh dưới bao sau.

Hình ảnh: Nhìn đèn xe ô tô bị lóa

  • Giả cận thị: Mắt bị đục thể thuỷ tinh ban đầu có xu hướng cận thị hoá, do vậy khả năng nhìn gần thường tốt lên. Bệnh nhân có thể thấy giảm độ kính lão, hoặc nhìn gần không cần mang kính.
  • Lác mắt: Một số trường hợp do đục thể thuỷ tinh, mắt đó bị nhược thị và lác.
  • Thường xuyên thay đổi kính đeo mắt: Do thủy tinh thể đục làm thay đổi chiết xuất.
  • Nhìn đôi, nhìn thấy nhiều vật cùng một lúc, nhìn như qua sương mù …

Nguyên nhân gây đục thủy tinh thể

  • Đục thủy tinh thể do tuổi già : Là nguyên nhân hàng đầu gây suy giảm thị lực ở tuổi trung niên. Thường gặp ở người trên 50 tuổi, bệnh diễn tiến chậm.
  • Đục thủy tinh thể do bệnh lý : gặp trên các đối tượng có bệnh lý toàn thân như tiểu đường, cao huyết áp, béo phì, hay có bệnh lý tại mắt như cận thị nặng, viêm màng bồ đào,…
  • Đục thủy tinh thể do chấn thương : do các chấn thương gây ra tại mắt. có thể đục sớm hoặc muộn sau nhiều năm
  • Đục thủy tinh thể bẩm sinh : do bệnh lý di truyền, hoặc do các bệnh lý người mẹ mắc phải trong quá trình mang thai.

Điều trị bệnh đục thủy tinh thể

  • Ở giai đoạn đục thủy tinh thể ban đầu hoặc trong các dạng đục tiến triển, chưa ảnh hưởng nhiều đến thị lực và các hoạt động trong đời sống hàng ngày, các bác sĩ có thể cho các thuốc vitamin để làm chậm quá trình lão hóa
  • Ở giai đoạn trung bình trở về sau, hoặc các hình thái đục gây ảnh hưởng đến đời sống hàng ngày của bệnh nhân, phẫu thuật thay thủy tinh thể nhân tạo là phương pháp tối ưu nhất hiện nay.

Hình ảnh: Minh họa phẫu thuật Phaco đặt thủy tinh thể nhân tạo

Quản lý bệnh đục thủy tinh thể

Theo các chuyên gia Nhãn khoa, cách tốt nhất để phòng chống căn bệnh đục thủy tinh thể là cần thay đổi thói quen sinh hoạt một cách khoa học, kết hợp với những giải pháp hỗ trợ điều trị thông qua các cách sau:

    • Điều trị và quản lý tốt bệnh lý toàn thân: đái tháo đường, cao huyết áp, mỡ máu…
    • Chế độ ăn khoa học : ăn nhiều thực phẩm có chứa nhiều vitamin C, E, A, kẽm, lutein, zeaxanthin có trong rau xanh, trái cây, ngũ cốc, trứng sữa, cá… Hạn chế ăn mặn và thức ăn có nhiều đường, dầu mỡ…
    • Khám mắt thường xuyên: định kỳ 6 tháng/lần.
    • Hạn chế các yếu tố nguy cơ như thuốc lá, tia cực tím mặt trời, hoặc khói, bụi các chất ô nhiễm.
    • Cải thiện ánh sáng trong nhà với đèn nhiều hơn hoặc sáng hơn.

                                        Tác giả : Trung Tâm Mắt Quốc Tế Phương Đông
( Tư vấn chuyên môn bài viết : BS.CKII Nguyễn Trí Dũng, BS.CKII Phan Tiến Hy )

* Nguồn tham khảo :

Sách “Basic and clinical science course section 11”
Tác giả American academy of Ophthalmology

Chia sẻ bài viết này

Trả lời